Trinh sản thực nghiệm Trinh_sản

Trứng đã chín muồi có thể kích thích để phát triển bằng các tác nhân nhân tạo. Đó là các trường hợp trinh sản thực nghiệm. Người ta có thể sử dụng các tác nhân lý học, hoá học hay cơ học để kích thích. Hertwig nhận thấy có thể kích thích trứng cầu gai phát triển bằng xử lý clorofoc hoặc stricnin. Sau đó người ta tìm thấy hàng loạt các chất khác nhau có khả năng kích thích nhiều loại trứng, thí dụ như nước biển nhược trương hoặc ưu trương, nhiệt độ cao (32 độ C) hoặc thấp (-0, -10 độ C), choáng điện, châm kim, thậm chí chà xát hoặc lắc... Các tác nhân này có hiệu quả khác nhau đối với trứng các loài khác nhau. Ví dụ CO2 có hiệu quả cao gây trinh sản ở sao biển nhưng vô hiệu đối với cầu gai (Delage, 1913). Trứng ếch Rana palustris có thể hoạt hoá hoàn toàn bằng châm kim thường, trong khi đó trứng ếch Rana fusca chỉ hoạt hoá hoàn toàn khi sử dụng phương pháp châm kim có dính máu của Bataillon (1910 - 1912).

Rất lý thú cho sinh học phát triển là trong khi nghiên cứu xử lý trứng bằng các tác nhân khác nhau đã làm xuất hiện các phôi hợp bào, chúng không phân cắt nhưng chứa một số lượng các nhân khác nhau có kích thước khác nhau. Các phôi như thế có thể phát triển thành các ấu thể bơi tự do có phủ lông rung (Lilie, 1906).

Đáng chú ý là phương pháp xử lý kép của Loeb. Theo Loeb, đa số các chất gây trinh sản đã gây hư hại lớp vỏ của trứng, nếu tác động kéo dài có thể làm chết trứng, do đó sau tác động hư hại cần phải dùng các chất sửa chữa các hư hại đó, và hỗ trợ cho việc tạo màng. Ví dụ như dùng nước biển ưu trương có thêm NaCl hoặc MgCl2. Phương pháp của Loeb đã làm tăng lên đáng kể tỷ lệ phát triển trinh sản, đặc biệt là ở cầu gai.